Như Ban Biên tập Website Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự thông tin, sáng nay, 6/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM – nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 – do GHPGVN đăng cai tổ chức từ ngày 6 – 8/5, sẽ chính thức diễn ra lễ khai mạc lúc 8h.
Website Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự sẽ trực tuyến lễ khai mạc, kính mời quý vị quan tâm đón xem, nhấn phím F5 để cập nhật liên tục.
Lễ khai mạc Đại lễ sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Trung ương Giáo hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng các vị khách quý là chính khách, lãnh đạo Phật giáo các quốc gia, vùng lãnh thổ, học giả, kiều bào, Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu…
Tại buổi lễ, đại biểu sẽ nghe phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 – Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, cùng nhiều thông điệp đến từ các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, các nước, các tổ chức Phật giáo trên thế giới.
Từ sáng sớm, Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã có mặt tại Học viện, đón tiếp các vị khách quý, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị lãnh đạo các quốc gia tham dự…
Ban Biên tập đang tiếp tục cập nhật. Bấm F5 để theo dõi những hình ảnh mới nhất từ Đại lễ…
10h23 – Thông điệp của Tăng thống Phật giáo Myanmar
Bức thông điệp khẳng định, cả hai đất nước – Myanmar và Việt Nam – đã cùng nhau làm cho Phật giáo được xiển dương, đó là điều cực kỳ đáng quý.
Thông điệp cũng nhắc lại ý nghĩa của Đại lễ Vesak – kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng của Đức Phật, gồm Đản sinh, Thành đạo, Niết-bàn.
Cuối thông điệp là lời cầu nguyện cho tất cả đều được an lành trong ánh sáng của Đức Phật.
10h17 – Phát biểu của Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan
Bà Bộ trưởng Văn hóa trân trọng chuyển lời chúc mừng tốt đẹp của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan – bà Paetongtarn Shinawatra – đến chính phủ Việt Nam và GHPGVN.
Bà khẳng định, giáo lý đạo Phật đã trở thành lối sống của người dân Thái Lan và Phật tử toàn cầu. Bà Bộ trưởng ca ngợi thành tựu của Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc chống ngoại xâm, xây dựng đất nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
10h10: Phát biểu của ông Zuraev Igor Ivanovich, Phó Thủ tướng Cộng hòa Buryatia – người đứng đầu Chính quyền Buryatia đại diện của Tổng thống Putin (LB Nga)
Ông Zuraev Igor Ivanovich bày tỏ vui mừng khi gặp đại diện Phật giáo các quốc gia, mong muốn sẽ cùng hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Phó Thủ tướng Cộng hòa Buryatia nói Vesak là dịp để chiêm nghiệm về các lời dạy của Đức Phật, từ đó đoàn kết Phật giáo toàn cầu, chia sẻ niềm tin, kiến tạo thế giới tốt đẹp hơn.
10h: Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường vụ Campuchia – Net Savoeun
Ông Net Savoeun khẳng định, đại lễ góp phần giao lưu, đoàn kết Phật giáo toàn cầu. Phó Thủ tướng Thường vụ Campuchia khẳng định Campuchia tôn trọng tín ngưỡng đạo Phật, đã đang giữ gìn giá trị mà các thế hệ đã xây dựng; qua đó khẳng định Phật giáo là quốc giáo, xem mọi lối sống của nhân dân phải theo tinh thần giáo lý của Đức Phật.
Vì vậy, trên toàn Vương quốc Campuchia, nhà nước cho xây dựng hệ thống giáo dục gắn với giáo lý Đức Phật, củng cố niềm tin và phát huy nếp sống hạnh phúc bền vững, trên nhiều phương diện, cả tâm trí lẫn sức khỏe.
9h58 – Trình chiếu video thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc
“Hôm nay, Phật tử trên toàn thế giới long trọng tổ chức Đại lễ Vesak, kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật.
Tháng Mười năm ngoái, tôi rất hân hạnh được đến viếng thăm Lumbini ở Nepal, nơi Đức Thế Tôn đản sinh. Chuyến hành hương đầy cảm hứng này đã khiến tôi một lần nữa phải khẳng định rằng những lời dạy vượt thời gian của Đức Phật về hòa bình, từ bi và phục vụ tha nhân chính là con đường dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn, thấu hiểu và hòa hợp hơn cho tất cả mọi người.
Vì vậy, ngày hôm nay và mãi mãi về sau này, hãy để cho chúng ta được dẫn dắt bởi tinh thần của Đại lễ Vesak và niềm tin vào những thành tựu mà chúng ta có thể đạt được khi trở thành một đại gia đình đoàn kết. Hãy cùng chung tay xây dựng một tương lai hòa bình và bền vững hơn. Chúc mừng Đại lễ Vesak!”.
9h51: Bộ trưởng Các vấn đề nghị viện và vấn đề thiểu số Ấn Độ Kiren Rijiju phát biểu
Ông Kiren Rijiju bày tỏ niềm vui trong việc tháp tùng Xá lợi Phật – Quốc bảo của Ấn Độ – đến trưng bày tại Việt Nam. Ông gửi lời chúc mừng Đại lễ của Thủ tướng Ấn Độ.
Ông Bộ trưởng Các vấn đề nghị viện và vấn đề thiểu số xin phép đọc Thông điệp của Thủ tướng Ấn Độ nhân đại lễ Vesak 2025.
Theo đó, ngài Thủ tướng Ấn Độ nhận thức sự tác động của từng hành vi cá nhân đến toàn cầu. Ông Thủ tướng trân trọng mời gọi người con Phật trên khắp thế giới hãy đến Ấn Độ chiêm bái thánh tích Phật giáo, cùng chiêm nghiệm lời dạy của Ngài.
Kết thúc thông điệp, vị đại diện Ấn Độ chúc mừng Đại lễ thành công.
9h35: Đại diện Liên minh Phật giáo Lào trình bày thông điệp
Thông điệp bày tỏ, Vesak 2025 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam vừa tổ chức đại lễ 30/4 – giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Qua đó, một lần nữa khẳng định sự kiện Vesak là ngày đại lễ quan trọng nhất của Phật giáo đồ khắp thế giới; đặc biệt, kể từ năm 1999, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận ngày Vesak là đại lễ mang tính toàn cầu, chấp nhận những giá trị của Phật giáo gần với mục tiêu của Liên Hiệp Quốc.
Thông điệp cũng nhắc lại lời dạy đoàn kết của Tăng-già, dịp đại lễ nhắc nhở những giá trị cốt lõi của đạo Phật, cũng như ý nghĩa thị hiện của Đức Phật giữa cuộc đời.
9h26: Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc phát biểu
Hòa thượng Thích Viễn Giác chào mừng đại biểu, cảm ơn và bày tỏ sự kính trọng với chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN. Ngài nói về những vấn nạn toàn cầu, đan xen nhiều biến động, là dịp để cùng bàn về con đường phát triển bền vững.
Ngài kêu gọi kế thừa, phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác trên cộng đồng quốc tế, Vesak chính là cơ hội để hiện thực hóa điều đó.
Hòa thượng Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đề cao và kêu gọi thực hành, giữ vững tinh thần bình đẳng, trung đạo, cùng nhau đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.
9h08: Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake
Ông chào mừng Đại lễ và bày tỏ khâm phục trước sự phát triển vượt bậc của Việt Nam khi quá khứ, từng trải qua sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh.
Ngài tổng thống nhấn mạnh, bình đẳng là tư tưởng tiến bộ, bình đẳng chiếm vị trí cốt lõi trong lời dạy của Đức Phật. Ông khẳng định, Việt Nam là nhân chứng sống của tinh thần bình đẳng, vươn lên.
Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake nói đến một vũ khí mạnh mẽ nhất được Đức Phật dạy đó là tình thương. Ông lý giải, nhờ thấm nhuần giáo lý đạo Phật mà người dân Sri Lanka đã phát tâm hiến tạng, trở thành việc làm dễ dàng trong tình thương, chia sẻ.
“Giáo lý căn bản của đạo Phật là tôn trọng sự sống, chấm dứt sự hủy diệt”, ông nói. Lời khuyên và thông điệp của Đức Phật là dùng tình thương hóa giải hận thù.
Tổng thống Sri Lanka nói, trong kinh Thi Ca La Việt, Đức Phật chỉ dẫn rất rõ cách thức sống của mỗi người, trong những vai trò của họ. Trong đó, với người lãnh đạo cần trí tuệ. Ông nói ý nghĩa của bài kệ trong kinh Pháp cú: “Không làm các việc ác. Siêng làm các việc thiện. Giữ tâm ý trong sạch”, và cho rằng đó là việc mà mỗi người nên nỗ lực thực hành hằng ngày.
8h57: Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu
Chủ tịch nước nói về giáo lý từ bi của Đức Phật sẽ còn mãi. Ông khẳng định, chủ đề Đại lễ năm nay có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn; đồng thời có ý nghĩa vì diễn ra sau những ngày lễ lớn của Việt Nam.
Ông khẳng định tinh thần hộ quốc an dân, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc đã tồn tại hàng ngàn năm, đồng thời tán dương các hoạt động ý nghĩa của GHPGVN, giúp đạo đời hòa quyện, hướng tới hạnh phúc chung.
Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định nhà nước tôn trọng tự do, tín ngưỡng của người dân. Việc GHPGVN đăng cai đại lễ Vesak cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ đồng hành cùng dân tộc mà còn hướng đến hợp tác quốc tế.
8h43: GS.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch phát biểu
Ngài cảm ơn lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo GHPGVN, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn. Ngài nói về ý nghĩa Đại lễ Vesak – kỷ niệm 3 sự kiện của Đức Phật: Đản sanh, Thành đạo, Niết-bàn.
Hòa thượng chia sẻ về 4 lần tổ chức Đại lễ Vesak tại Việt Nam: năm 2008 tại Trung tâm Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội); năm 2014, tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình); và năm 2019 tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam); và năm nay, 2025, tại TP.HCM.
Ngài Chủ tịch ICDV đánh giá cao công tác tổ chức của Việt Nam. Hòa thượng cho rằng, hằng năm ICDV tổ chức Đại lễ Vesak hằng năm để cùng nhau bàn về các vấn đề nội tại của thế giới, khuyến khích các cộng đồng Phật giáo thế giới gắn kết, học hỏi lẫn nhau, cùng phát triển.
8h30: Đức Phó Pháp chủ – Chủ tịch HĐTS phát biểu khai mạc
Mở đầu, Ngài chào mừng các đại biểu.
Đức Trưởng lão Hòa thượng bày tỏ, trong niềm hoan hỷ và lòng thành kính vô biên, hôm nay chúng ta hội tụ nơi đây tại Thành phố Hồ Chí Minh – một đô thị năng động, nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, trong không khí tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) – chúng ta hân hoan chào đón sự kiện trọng đại: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
“Đây không chỉ là dịp để chúng ta tưởng niệm ba sự kiện vĩ đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đản sinh – Thành đạo – Nhập Niết bàn, mà còn là một ngày hội tụ văn hóa tâm linh toàn cầu, nơi nhân loại cùng nhau hướng về những giá trị phổ quát của tuệ giác Phật giáo: lòng từ bi, trí tuệ và hòa bình đối với thế giới hôm nay”.
Ngài nhắc lại lịch sử của ngày đại lễ, chúc mừng đại hoan hỷ, đại an lạc đến đại biểu. “Kính chúc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 thành công viên mãn”, Đức Trưởng lão nói.
Trưởng lão Hòa thượng nói về chủ đề, kêu gọi tinh thần đoàn kết, khơi dậy tinh thần bao dung, không phân biệt màu da, tôn giáo, quốc tịch. Ngài nhắc lại lời dạy của Đức Phật, “hòa bình là con đường”.
Theo Trưởng lão Hòa thượng, là quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời và gắn bó mật thiết với tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, Việt Nam vinh dự được tổ chức Đại lễ Vesak 2025 trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước.
“Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với ngọn lửa trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức và biết bao các thế hệ Tăng Ni, Phật tử đã dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chặng đường lịch sử hào hùng 50 năm qua cho chúng ta thấy rõ con đường phát triển mà dân tộc Việt Nam đang đi là con đường của sự đoàn kết, của sự bao dung và của một xã hội mà mỗi người đều được sống trong hòa bình, hạnh phúc và an lạc. Con đường đó đang đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển phồn vinh, thịnh vượng”.
8h25: Đại lão Hòa thượng đọc Thông điệp Phật đản
Mở đầu Phật đản, Ngài bày tỏ:
Vào mỗi mùa hoa sen nở rộ trên đất nước Việt Nam thân yêu, là khi không chỉ những người Phật tử Việt Nam mà cả cộng đồng Phật giáo khắp năm châu hân hoan kính mừng Vesak thiêng liêng; sự kiện được Liên hợp quốc tôn vinh bởi thông điệp về tình thương, trí tuệ, bao dung và phụng sự tha nhân mà Đức Phật đã cống hiến cho nhân loại.
Thời gian này, cả thế giới long trọng kỷ niệm sự kiện trọng đại ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh thị hiện ở đời vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì lợi ích cho chư Thiên và loài người; Ngày Đức Phật thành đạo đem đến chân lý giác ngộ khai mở con đường giải thoát khổ đau cho chúng sinh, mang đến ánh sáng của từ bi và trí tuệ cho nhân loại; Ngày Đức Phật nhập Niết bàn để lại di sản vô giá làm kim chỉ nam cho các giải pháp xây dựng nền hòa bình thế giới, hạnh phúc thực sự cho con người, sự phát triển bền vững cho xã hội.
Đức Pháp chủ kêu gọi:
Tôi tha thiết kêu gọi mỗi người Phật tử chúng ta luôn tinh tấn tu tập, thể nhập Từ bi tam muội, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sanh vạn loại, thắp sáng thế gian này bằng ánh sáng bao dung và trí tuệ. Với tất cả ý nghĩa thiêng liêng của ngày kỷ niệm Đức Phật đản sanh, tôi mong muốn tất cả những người con Phật trên khắp thế giới đoàn kết, hòa ái và tích cực cùng nhân loại kiến tạo thế giới thái bình, an lạc thực sự.
8h15: Giới thiệu đại biểu
Có mặt tại Đại lễ có Chủ tịch nước Lương Cường, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Dân vận và Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Mai Văn Chính – Phó Thủ tướng Chính phủ.
Về phía Giáo hội, có Đức Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng; Đức Phó Pháp chủ, Chủ tịch HĐTS – Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn.
Về phía ICDV trân trọng giới thiệu Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch.
Về phía khách quý lãnh đạo các nước, có Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake. Và giới thiệu chung các vị khách quý, đại biểu.
8h sáng 6/5
7h35 sáng 6/5:
7h30 sáng 6/5:
Bên cạnh khoảng 1.500 đại biểu trong nước còn có khoảng 1.250 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm các vị Tăng vương, Tăng thống, Pháp chủ, Chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các vị cao Tăng, tiêu biểu các truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới; các nhà nghiên cứu, các học giả từ các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng; các nhân sĩ tri thức Phật giáo trên thế giới và trong nước; kiều bào ở Hoa Kỳ, Canada, Úc châu, các nước châu Âu và các nước châu Á về tham dự Đại lễ Vesak năm nay.
5h30 sáng 6/5/2025:
Nhóm BTV