Trong khuôn khổ khóa Bồi dưỡng Trụ trì PL.2569 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (P.Bình Trưng, TP.HCM), sáng ngày 07/7/2025 (13/6/Ất Tỵ), HT. Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế T.ƯGH, Cố vấn Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã có chuyến thăm và chia sẻ cùng chư Tôn đức Hệ phái Phật giáo Khất sĩ (PGKS) về vai trò của người trụ trì trong bối cảnh xã hội hiện đại, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc am hiểu Hiến chương GHPGVN và Pháp luật Nhà nước.
Hòa thượng nhấn mạnh: “Người trụ trì là nhân tố chủ đạo trong sự điều hành, lãnh đạo và duy trì sự ổn định, phát triển của Giáo hội. Từ nguyên lý ‘Trụ pháp vương gia, Trì Như Lai tạng’, trụ trì không đơn thuần là người trông coi một ngôi chùa, mà là người giữ gìn mạng mạch Phật pháp, bảo tồn đời sống phạm hạnh và phát huy ánh sáng trí tuệ của đạo Phật giữa lòng xã hội”.
Qua tiến trình lịch sử, Hòa thượng dẫn dắt từ thời Đức Phật, khi Tăng đoàn du hóa chưa có trú xứ ổn định, đến sự kiện Tịnh xá Trúc Lâm được cúng dường, đánh dấu bước ngoặt hình thành trú xứ tu học. Đặc biệt, vào thời Đường, Ngài Bách Trượng Hoài Hải đã biên soạn Thanh Quy Bách Trượng, thiết lập khuôn mẫu cho chế độ trụ trì, từ đó định hình vai trò tổ chức, điều hành của người đứng đầu tự viện.
Đi đến thời hiện đại, HT. Thích Huệ Thông nhận định, người trụ trì không chỉ cần vững vàng Phật pháp mà còn phải am tường thế pháp, có khả năng thích ứng và điều phối hoạt động tự viện trong bối cảnh xã hội nhiều biến chuyển. Hòa thượng cho rằng, trụ trì là chánh báo, chùa là y báo. Ngôi chùa có sức sống hay không chính là nhờ vào linh hồn của vị trụ trì. Qua đó cho thấy vai trò trung tâm, quyết định của người trụ trì trong việc duy trì đời sống tu học, nếp sống phạm hạnh và truyền thống đạo vị.
Khai triển hai mặt của chân lý trong Phật giáo là “chân lý tuyệt đối” và “chân lý tương đối” (phương tiện), Hòa thượng chỉ rõ, chân lý tuyệt đối như sinh - già - bệnh - chết, hay nguyên lý duyên sinh - duyên diệt, là bất biến dù Đức Phật có ra đời hay không. Tuy nhiên, xuất phát từ lòng bi mẫn và trí tuệ, Đức Phật đã khéo léo sử dụng phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh, tùy theo thời gian, không gian và căn cơ.
Những ví dụ tiêu biểu được Hòa thượng phân tích như:
Bố-tát (trưởng tịnh): Ban đầu là nghi lễ của các giáo phái khác, được Đức Phật tiếp nhận, chỉnh lý thành hình thức tu tập định kỳ để nuôi dưỡng giới - định - tuệ và tạo sự thanh tịnh, hòa hợp trong Tăng đoàn.
An cư Kiết hạ: Từ tập tục của các giáo đoàn Ấn Độ cổ, Đức Phật chế định thành thời kỳ chuyên tu nội tâm, tăng trưởng đạo lực, đoàn kết nội bộ.
Tự tứ: Một biểu hiện cao đẹp của tinh thần giác ngộ, khi mỗi Tỳ-kheo phát nguyện cầu người khác chỉ lỗi để tu sửa và thanh tịnh.
Bảy pháp diệt tránh: Đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc “hiện tiền tỳ ni”, cho thấy tính nhân văn sâu sắc và tinh thần pháp trị dựa trên sự hiện diện, đối thoại và công khai của các bên liên quan.
Tất cả những điều này, theo Hòa thượng là minh chứng cho sự dung hòa giữa chân lý bất biến và phương tiện linh hoạt, yếu tố then chốt giúp Phật pháp trường tồn trong mọi hoàn cảnh lịch sử.
Một trong những nội dung quan trọng được HT. Thích Huệ Thông nhấn mạnh là sự cần thiết phải hiểu rõ Hiến chương GHPGVN, không chỉ như một văn bản tổ chức hành chính, mà là nền tảng pháp lý và đạo lý cho đời sống Tăng đoàn.
Ra đời năm 1981 với 11 chương, 46 điều, Hiến chương đã qua 7 lần tu chỉnh, hiện có 14 chương, 87 điều, phản ánh tinh thần linh hoạt và thích nghi của Giáo hội. Dù tu chỉnh nhiều lần, nhưng lý tưởng cốt lõi vẫn không thay đổi, đó là phụng hành giáo pháp của Đức Phật, tuân thủ giới luật và quyết định trên tinh thần tập thể, hòa hợp.
Ngoài ra, một số điểm mới được Hòa thượng trình bày rõ ràng là việc thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện. Do thay đổi trong luật đất đai, hiện Nhà nước không còn trực tiếp giao đất cho cơ sở tự viện, mà chỉ giao cho tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc. Như vậy, để có tư cách pháp nhân và con dấu riêng, mỗi tự viện cần thành lập Ban Quản trị như một tổ chức tôn giáo trực thuộc Giáo hội. Đồng thời, người trụ trì giữ vai trò Trưởng ban quản trị với nhiệm kỳ 5 năm, nhưng có vị trí vĩnh viễn (trừ các trường hợp đặc biệt). Ban Quản trị giúp tinh gọn bộ máy hành chánh, tăng quyền chủ động cho vị trụ trì trong việc ký và gửi văn bản hành chánh.
Bên cạnh đó, Hiến chương cũng bắt đầu ghi nhận tài sản cá nhân hợp pháp của tu sĩ, nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp, kế thừa và bảo vệ quyền lợi tu sĩ.
Khép lại buổi chia sẻ, HT. Thích Huệ Thông khẳng định: “Giáo hội là thân thể của Tăng đoàn, Hiến chương là xương sống của Giáo hội, còn người trụ trì chính là trái tim đang thổn thức vì sự sống của ngôi chùa, của Tăng thân và của đạo pháp giữa cuộc đời”.
Nguồn: Ban TT-TT Hệ phái Khất sĩ