PSO - Trong niềm hân hoan chào đón Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, ngày hội thiêng liêng của những người con Phật trên toàn thế giới. Hôm nay, chúng ta cùng hội tụ nơi đây để khai mạc một chương trình nghệ thuật vô cùng đặc biệt: "Khi nghệ thuật Phật giáo lan toa giữa đời thường".
Buổi lễ có sự chứng minh và tham dự: HT. Thích Quang Nhuận - Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; HT. Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; HT. Thích Bửu Chánh - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực ban Văn hóa Trung ương; HT. Thích Hải Ấn - Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; cùng chư Tôn đức Ban Văn hóa Trung ương, Ban Văn hóa TP.HCM, các tiểu ban chuyên trách, quý doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và đông đảo Phật tử cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Bửu Chánh cho biết, chương trình nghệ thuật “Khi nghệ thuật Phật giáo lan tỏa giữa đời thường”, như một nhịp cầu kết nối giữa đạo và đời. Với tinh thần từ bi và trí tuệ, chương trình mang đến không gian giao hòa giữa âm nhạc, sân khấu, thi ca và biểu tượng Phật giáo – nơi mỗi tiết mục không chỉ là sự trình diễn, mà là lời nguyện lành, là hành trình quay về nội tâm. Đặc biệt, vở nhạc kịch cải lương “Cuộc đời và đạo nghiệp Đức Phật Thích Ca” sẽ đưa khán giả về lại cội nguồn của chân lý, khơi dậy niềm tôn kính và cảm hứng tu tập qua ngôn ngữ sân khấu đậm đà bản sắc Nam bộ. Nghệ thuật Phật giáo vì thế không ngừng lan tỏa, chạm đến trái tim muôn người, góp phần làm giàu đẹp đời sống tinh thần và khơi sáng ánh sáng giác ngộ trong từng tâm thức.
Vở diễn tái hiện trọn vẹn những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni — bậc Giác Ngộ vĩ đại, người đã khai sáng đạo Phật và để lại kho tàng giáo lý vô giá cho nhân loại.
Mở đầu vở kịch là cảnh Hoàng hậu Ma Da hạ sinh thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni, giữa khung cảnh đất trời hân hoan, chim muông ca hát. Thái tử lớn lên trong nhung lụa của hoàng cung thành Ca Tỳ La Vệ, sống cuộc đời đủ đầy, bên cạnh vợ là công chúa Da Du Đà La và con trai La Hầu La.
Thế nhưng, khi chứng kiến bốn cảnh khổ của kiếp người: sinh, lão, bệnh, tử, lòng thái tử không khỏi trăn trở về ý nghĩa thật sự của cuộc sống. Đêm nọ, Ngài quyết định từ bỏ cung vàng điện ngọc, cắt tóc, khoác áo cà sa, xuống tóc xuất gia tìm con đường giải thoát cho muôn loài.
Trải qua những năm tháng tu khổ hạnh trong rừng sâu, nhận ra rằng ép xác không phải là con đường đạt đạo, Đức Phật chọn lối Trung Đạo — từ bỏ cực đoan hưởng thụ và cực đoan khổ hạnh. Ngồi dưới cội Bồ Đề nơi bờ sông Ni Liên Thiền, Ngài nhập định sâu và cuối cùng đạt đến Chính Đẳng Chính Giác, trở thành bậc Giác Ngộ.
Sau đó, Đức Phật trở về thành Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp cho thân tộc, hoá độ vua cha Tịnh Phạn, công chúa Da Du Đà La và hoàng tộc, đồng thời khởi đầu cho hành trình vân du thuyết pháp khắp các vương quốc, làng mạc, khai sáng vô số đệ tử, xây dựng Tăng đoàn và truyền bá đạo lý từ bi, vô ngã, vị tha.
Vở nhạc kịch khép lại bằng cảnh Đức Phật nhập Niết Bàn tại rừng Sa La Song Thọ, giữa sự tiếc thương vô hạn của chư tăng và đệ tử. Ngài để lại di huấn cuối cùng về vô thường, tinh tấn tu tập và lòng từ bi cho thế gian.
Chương trình nghệ thuật tại công viên Láng Le không chỉ là hoạt động văn hóa – tín ngưỡng ý nghĩa trong mùa Phật Đản mà còn nhắc nhở mọi người hướng đến sự an lạc nội tâm và giá trị nhân sinh cao đẹp mà Đức Phật từng truyền dạy.
Thực hiện: PSO