Sáng 7-5, tại Hội trường chính – Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 bước sang ngày làm việc thứ hai với chương trình do lãnh đạo ICDV điều phối.
Chương trình tiếp tục với các thông điệp và phát biểu từ lãnh đạo các tổ chức Phật giáo quốc tế, tập trung làm rõ chủ đề chính của Đại lễ năm nay: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak 2025 – hiện diện tham dự cùng chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN, đại diện các tổ chức Phật giáo và học giả đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mở đầu chương trình, chư Tăng Phật giáo Kim cương thừa đến từ Ấn Độ đã cử hành nghi lễ tụng kinh cầu nguyện, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Nghi lễ là biểu tượng cho tinh thần hòa hợp, tôn trọng và đoàn kết giữa các truyền thống Phật giáo trong cộng đồng quốc tế.
Ngay sau lễ cầu nguyện, phiên toàn thể tiếp tục với các bài phát biểu từ lãnh đạo và đại diện chính phủ nhiều quốc gia. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò của tư tưởng Phật giáo trong việc xây dựng xã hội hài hòa, nhân ái và ứng phó với những thách thức toàn cầu như chiến tranh, đói nghèo và biến đổi khí hậu.
Các phát biểu nhấn mạnh: thông điệp từ bi, trí tuệ và bất bạo động của Đức Phật vẫn còn nguyên giá trị trong thế kỷ 21 – nơi nhân loại cần sự thấu hiểu và đoàn kết hơn bao giờ hết.
Thông qua các bài phát biểu gửi về từ khắp năm châu, các vị lãnh đạo Phật giáo nhấn mạnh vai trò thiết yếu của giáo lý nhà Phật trong công cuộc giáo dục con người, xây dựng hòa bình, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngài Ramdas Athawale – Nguyên Quốc vụ khanh Bộ Công lý Xã hội và Trao quyền Ấn Độ, phát biểu thông điệp “Gọi Phật giáo là nền tảng đạo đức cho một xã hội công bằng và không phân biệt.”
Hòa thượng Jeong Beom – Quyền Chủ tịch Trụ sở Đặc trách Hải ngoại, Hàn Quốc, phát biểu thông điệp “Khẳng định tầm quan trọng của tinh thần hợp tác và đoàn kết toàn cầu giữa các truyền thống Phật giáo.”
PGS. Karsai Gábor Zsolt – Viện trưởng Trường Cao đẳng Phật giáo Dharma Gate, Hungary, phát biểu thông điệp “Đề cao vai trò của giáo dục Phật học trong thời đại hiện đại.”
Ricardo Guerrero Diañez – Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Tây Ban Nha, phát biểu thông điệp “Chia sẻ hy vọng vào thế hệ trẻ sẽ tiếp nối ánh sáng Phật pháp tại phương Tây.”
Gerhard Weissgrab – Chủ tịch Liên minh Phật giáo Áo, phát biểu thông điệp “Kêu gọi hành động thiết thực vì môi trường và hòa bình thế giới.”
Ricardo Vieira Sasaki – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật học Nālandā, Brazil, phát biểu thông điệp “Nhấn mạnh sức mạnh chữa lành của Phật giáo đối với sức khỏe tinh thần cộng đồng.”
PGS. Edi Ramawijaya Putra – Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Phật giáo Bậc cao Indonesia, phát biểu thông điệp “Đề xuất tăng cường giao lưu và hợp tác trong đào tạo Phật giáo khu vực.”
Ông Egil Lothe – Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Na Uy, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế ICDV, phát biểu thông điệp “Nhấn mạnh Vesak là biểu tượng của sự kết nối Phật giáo toàn cầu.”
Thượng tọa Bhikkhu Ananda – Phó Chủ tịch Liên minh Phật giáo Quốc tế (IBC), Ấn Độ, phát biểu thông điệp “Kêu gọi giữ gìn và lan tỏa ánh sáng từ bi vượt qua mọi biên giới.”
Hiệu trưởng Đại học Zayaev, Liên bang Nga, phát biểu thông điệp “Góp tiếng nói về phát triển Phật giáo trong lĩnh vực học thuật và giao lưu văn hóa.”
Đăng Huy