Ngày 16/7 – ngày thứ tư của Khóa tu mùa hè tại chùa Bằng – Linh Tiên Tự (phường Hoàng Liệt, Hà Nội), toàn thể khóa sinh đã cùng nhau bước vào một chương trình đặc biệt – cuộc thi “Tự hào văn hóa Việt”. Một buổi tối tràn đầy sắc màu văn hóa, lịch sử và cảm xúc, nơi mà tinh thần Phật pháp lan tỏa qua từng tiết mục nghệ thuật, từng câu chuyện lịch sử, từng ánh mắt tự hào của thế hệ trẻ.
Cuộc thi không chỉ là một sân chơi bổ ích, giúp các bạn trẻ tìm hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, mà còn là dịp để các gia đình khóa sinh kết nối trái tim, gieo trồng tình yêu quê hương, hun đúc tinh thần trách nhiệm, và học cách lan tỏa năng lượng tích cực trong tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương, Trụ trì chùa Bằng, Trưởng Ban Tổ chức khóa tu – đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, cùng các thành viên trong Ban Giám khảo: Đại đức Thích Tâm Hiếu; Đại đức Thích Quảng Hậu; Đại đức Thích Tâm Quyền. Ngoài ra còn có các giám khảo khách mời là cư sĩ Phật tử đã mang lại một không khí vừa trang nghiêm, vừa gần gũi trong tinh thần giáo dục và khai mở.
Mở đầu chương trình là phần thuyết trình của gia đình Sơn Tây với chủ đề "Hào khí Đông A - Nhà Trần và chiến thắng quân Nguyên Mông". Bằng hoạt cảnh sinh động và diễn xuất chân thực, Gia đình đã tái hiện lại một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc. Trước họa xâm lăng, tinh thần đoàn kết từ vua đến dân đã trở thành sức mạnh làm nên chiến thắng vang dội. Phần trình bày kết hợp ca khúc "Hào khí Việt Nam" trên nền nhạc hùng tráng đã tiếp thêm cảm xúc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc sâu sắc trong lòng đại chúng.
Tiếp nối là phần trình diễn của gia đình Đền Ngọc Sơn với chủ đề “Vương quốc Chăm Pa – Dấu ấn văn hóa Chăm trên dải đất miền Trung”. Trong những bộ trang phục truyền thống cùng điệu múa uyển chuyển, các thành viên đã dẫn dắt khán giả đi qua hành trình của nghệ thuật, tín ngưỡng và kiến trúc đặc trưng dân tộc Chăm. Từ tháp Chăm cổ kính đến âm nhạc đa thanh, tiết mục gợi mở góc nhìn phong phú về sự đa dạng văn hóa trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Gia đình Trấn Quốc tiếp tục chương trình với phần thuyết trình về triều đại Lý – Trần, thời kỳ đỉnh cao của tư tưởng "trị quốc an dân" và sự song hành giữa chính trị và đạo Phật. Với sự trình bày sinh động, lồng ghép giữa hình ảnh và âm nhạc, tiết mục tái hiện một cách cô đọng tinh thần thời đại – nơi Phật giáo trở thành nền tảng đạo đức và nguồn cảm hứng xây dựng xã hội. Phần biểu diễn kết hợp bài ca "Hào khí Việt Nam" với sự tham gia đầy xúc cảm của quý Thầy quản chúng đã khiến hội trường bùng nổ trong những tràng pháo tay dài không dứt.
Gia đình Cổ Loa tiếp tục đưa đại chúng về với “Văn hóa dân tộc Tày – Làn điệu Then và bản sắc vùng Đông Bắc”. Những kiến thức thú vị về Làn điệu Then hiện ra sinh động trong phần thuyết trình hòa quyện cùng tiết mục múa "Chiếc khăn Piêu" tạo nên một không gian nghệ thuật đậm chất dân gian. Trang phục rực rỡ, âm nhạc phối khí hiện đại đã khiến phần trình diễn thêm phần cuốn hút.
Gia đình Mê Linh tái hiện vẻ đẹp “Nhà Nguyễn và Văn hóa Cung đình Huế” qua phần trình diễn áo dài truyền thống trong tiết mục "Cảnh đẹp Huế Đô". Trên nền nhạc ca Huế, những tà áo thướt tha như đưa khán giả trở về không gian văn hóa xưa – nơi nghệ thuật, lễ nghi và tâm hồn dân tộc hòa quyện trong từng bước chân. Tiết mục đã khơi dậy lòng tự hào về di sản văn hóa và thúc đẩy ý thức gìn giữ nét đẹp truyền thống trong đời sống hôm nay.
Tiếp đến, Gia đình Văn Miếu mang đến hình ảnh tươi trẻ và xúc động qua slide thuyết trình về “Dân tộc H’mông – Vẻ đẹp văn hóa vùng cao và tinh thần vượt khó”. Những phong tục, lễ hội, trang phục đặc trưng được tái hiện rõ nét. Ngay sau đó, ca khúc "Đi giữa trời rực rỡ" vang lên, lan tỏa rõ nét thông điệp sống tích cực và ý nghĩa. Tiết mục như một lời cổ vũ người trẻ hãy dám ước mơ, sống đúng với bản thân và tự hào về những giá trị cội nguồn.
Gia đình Ba Đình lựa chọn biểu diễn một vở kịch để thuyết trình minh họa chủ đề "Khởi nghĩa Lam Sơn và tầm vóc anh hùng của Lê Lợi". Có thể nói, đây là một vở kịch lịch sử được dàn dựng công phu, tiết mục vừa có khí phách, vừa gần gũi với những chi tiết hóm hỉnh tinh tế. Màn biểu diễn khiến khán giả lắng lại trong xúc động và bừng lên niềm tự hào trước tinh thần bất khuất, lòng yêu nước và lý tưởng sống của cha ông. Đây không chỉ là một tiết mục nghệ thuật mà là bài học lịch sử sống động gửi tới thế hệ trẻ.
Với chủ đề “Dân tộc Khmer – Tín ngưỡng Phật giáo và lễ hội đặc sắc Nam Bộ”, Gia đình Hoàng Thành thuyết trình những văn hóa của lễ hội Chol Chnăm Thmây, đưa các khóa sinh trở về với những nét văn hóa đặc sắc của những ngôi chùa Khmer, và câu chuyện dân gian đặc sắc của người Khmer qua kịch nói "Diệt ma Chằn". Tác phẩm đậm màu sắc Phật giáo Nam tông và triết lý từ bi – giác ngộ, là minh chứng sinh động cho sự giao thoa giữa tín ngưỡng dân gian và giáo lý nhà Phật.
Gia đình Quán Sứ tái hiện chiến thắng quân Thanh của triều đại Tây Sơn qua phần thuyết trình và phần trình diễn ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình". Không chỉ là lời tri ân lịch sử, phần biểu diễn còn là thông điệp gửi tới người trẻ hôm nay: hãy sống xứng đáng với truyền thống quật khởi, cải cách và nhân văn của tiền nhân, để cùng viết tiếp hành trình dựng xây và phát triển đất nước bằng chính hành động hôm nay.
Cuối cùng, Gia đình Long Biên khép lại chương trình với tiết mục đầy sức sống về văn hóa dân tộc Thái. Trong tiếng nhạc rộn ràng, đại chúng như được cuốn vào vòng tròn của sự kết nối, đoàn kết và niềm vui qua điệu múa xòe Tây Bắc. Hình ảnh chiếc khăn Piêu, nét duyên dáng của người con gái vùng cao, cùng điệu múa cổ truyền đã tạo nên một không gian chan hòa, đậm chất nhân văn. Giữ gìn văn hóa không chỉ là lưu giữ quá khứ – mà là tiếp nối những giá trị tốt đẹp để thắp sáng tương lai.
Nhận xét về các tiết mục, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Trưởng Ban Giám khảo đã hoan nghênh tinh thần học hỏi và sáng tạo của các bạn trẻ. Dù thời gian chuẩn bị không nhiều, nhưng các gia đình đã thể hiện được chiều sâu nội dung và tinh thần "Tự hào văn hóa Việt". Hòa thượng cũng nhắc nhở nhẹ nhàng về việc lựa chọn trang phục, phụ kiện sao cho phù hợp với bối cảnh lịch sử, góp phần tăng giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa văn hóa. Qua từng chủ đề của cuộc thi, người xem không chỉ học thêm kiến thức mà còn được chạm tới vẻ đẹp linh thiêng của từng triều đại, từng vùng miền trên khắp dải đất hình chữ S thân thương.
Các tiết mục xuất sắc đã khiến Ban Giám khảo phải làm việc kỹ lưỡng để đưa ra kết quả. Các giải thưởng đặc biệt lần lượt được trao: Giải Tự tin thuộc về Gia đình Sơn Tây; Giải Ấn tượng là Gia đình Đền Ngọc Sơn; Giải Thần thái thuộc về Gia đình Trấn Quốc; Giải Tỏa sáng là Gia đình Cổ Loa; Gia đình Mê Linh đạt Giải Năng lượng; Giải Trang phục ấn tượng thuộc về Gia đình Văn Miếu; Giải Sáng tạo thuộc về Gia đình Quán Sứ. Ba giải cao nhất được trao cho: Giải Ba của Gia đình Hoàng Thành; Giải Nhì là Gia đình Long Biên; và Giải Nhất thuộc về Gia đình Ba Đình.
Khép lại đêm thi, các khóa sinh cùng nhau hô vang khẩu hiệu “Việt Nam vô địch” bằng tất cả tình yêu dành cho đất nước, và niềm tự hào của tuổi trẻ, với những giá trị văn hóa lịch sử mà cha ông đã để lại. Văn hóa – lịch sử – Phật pháp, ba dòng chảy ấy đã hòa vào nhau, nuôi dưỡng những mầm tâm trong sáng và tự hào trong trái tim người trẻ hôm nay.
Thực hiện: Anh Vũ – Phật Sự Thủ Đô – Phật Sự Online