PSO - Sáng ngày 14-7, tại Trường hạ Thiền viện Quảng Đức (TP. HCM), Thượng tọa Thích Minh Nhẫn – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội – đã có buổi chia sẻ đến 55 hành giả an cư với chủ đề: “Vai trò và chức năng của vị Trụ trì trong thời đại mới.”
Tại buổi thuyết giảng, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn đã trình bày sâu sắc về vai trò và chức năng của vị Trụ trì trong bối cảnh thời đại hiện nay. Thượng tọa nhấn mạnh: trong hệ thống tổ chức Phật giáo, vai trò của vị Trụ trì có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không chỉ là người đứng đầu một ngôi chùa, Trụ trì còn là nhân tố quyết định sự ổn định, phát triển và lan tỏa đạo pháp trong cộng đồng.
Trong thời đại mới – khi xã hội có nhiều biến chuyển – vai trò và chức năng của vị Trụ trì càng trở nên thiết yếu, đòi hỏi người Trụ trì cần am hiểu sâu sắc cả truyền thống Phật giáo lẫn hệ thống pháp lý hiện hành của Giáo hội và xã hội.
Thượng tọa dẫn giải: “Trụ Pháp Vương gia, Trì Như Lai tạng”, nghĩa là: An trú trong nhà của Pháp Vương (Phật pháp) và giữ gìn kho tàng Như Lai (chân lý giác ngộ).
Câu nói này cho thấy, Trụ trì không chỉ là người đảm trách tổ chức hành chánh mà còn là biểu tượng tâm linh:
- Là người an trú vững vàng trong giáo pháp
- Là người giữ gìn và trao truyền chánh pháp đến chúng sinh
Vai trò biểu tượng và trách nhiệm thực tiễn của Trụ trì:
Vị Trụ trì không chỉ đơn thuần là “người giữ chùa” mà còn là:
- Người giữ hồn chùa – gìn giữ truyền thống và giá trị tâm linh
- Người duy trì dòng truyền thừa Phật pháp
- Người giữ gìn giới luật, bảo hộ Tăng đoàn, tiếp Tăng độ chúng
Tự viện không có Trụ trì giống như con thuyền không người cầm lái.
Tóm lại, vị Trụ trì là sự hội tụ của:
- Tâm đạo sâu sắc
- Định lực vững vàng
- Tầm nhìn truyền thừa
- Trách nhiệm trước Pháp – Tăng đoàn – xã hội
Trụ trì là người quản lý tự viện, chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của chùa – từ tổ chức sinh hoạt nội bộ đến việc tiếp đón khách thập phương – đòi hỏi phải có năng lực quản lý hiệu quả, ứng xử khéo léo và minh bạch trong mọi công việc.
Với vai trò là người đứng đầu cơ sở tự viện, Trụ trì giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì và phát triển đời sống Tăng đoàn, đồng thời là cầu nối giữa tự viện với Giáo hội các cấp. Trong vai trò này, việc tuân thủ Quy chế Ban Tăng sự Trung ương và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng nhằm đảm bảo sự hòa hợp, thanh tịnh và ổn định trong Giáo hội.
Theo Hiến chương Giáo hội và các quy định của Ban Tăng sự, Trụ trì có nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt tu học đúng chánh pháp, gìn giữ giới luật, hướng dẫn Tăng Ni trong chùa sống phạm hạnh và tuân thủ các quy định của Giáo hội. Đồng thời, Trụ trì cũng là người quản lý tài sản, điều hành các Phật sự tại tự viện trong khuôn khổ pháp luật và Giáo luật.
Việc thực hiện đúng quy chế sẽ góp phần ngăn ngừa các sai phạm, củng cố lòng tin của Phật tử và cộng đồng xã hội đối với Giáo hội.
Ngoài ra, Trụ trì còn là người tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương, đường hướng của Giáo hội; tích cực tham gia công tác hoằng pháp, từ thiện xã hội và góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của Tăng đoàn trong thời đại mới. Chính sự nghiêm túc tuân thủ sẽ là nền tảng để xây dựng một ngôi chùa trang nghiêm, một cộng đồng Tăng đoàn vững mạnh và một Giáo hội phát triển bền vững trong lòng dân tộc.
Lâm Huy