PSO - Chiều ngày 5/10 vừa qua, tại chùa Pháp Hoa (quận 3, TP.HCM), Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Hiệp hội dệt may và các cơ sở Pháp phục Phật giáo đã có buổi Tọa đàm thẩm định lần thứ 2 sắc phục cư sĩ Phật giáo Việt Nam.


Được biết, Đề án thống nhất sắc phục cư sĩ Phật tử Việt Nam được Ban Văn hóa TƯ GHPGVN khởi xướng từ đầu năm 2019 dưới sự chỉ đạo của TT.Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thư ký HĐTS, Trưởng ban Văn hóa TƯ; cùng sự tư vấn, góp ý của chư Tôn đức Ban Văn hóa TƯ GHPGVN và các chuyên gia trong lĩnh vực thời trang và dệt may.

Trước đó, tại chùa Pháp Hoa đã diễn ra buổi Tọa đàm lần thứ nhất, chư Tôn đức chủ tọa đã thống nhất chọn ra một số kiểu dáng sắc phục và trang phục dành cho cư sĩ Phật tử; sau đó thay đổi màu sắc và chất liệu để phù hợp với quy định của Giáo hội.
“Sau thời gian chỉnh sửa theo đúng yêu cầu, các nhà mày đã đem sản phẩm đến buổi Tọa đàm để tiếp tục cho thẩm định và đóng góp ý kiến nhằm đi đến thống nhất một sắc phục đặc trưng của cư sĩ Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới và trình cho Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN phê duyệt.” TT.Thích Thọ Lạc phát biểu.


Tại buổi Tọa đàm lần này, cơ sở pháp phục Nguyên Dung đã trình 5 mẫu thường phục và 5 mẫu áo tràng của Phật tử với chất liệu và màu sắc truyền thống; cùng đó cơ sở pháp phục An Nghiêm cũng trình mẫu áo tràng với thiết kế dựa trên mẫu áo dài Việt Nam.

HT.Thích Hải Ấn - Phó Thường trực Ban Văn hóa TƯ, cùng chư Tôn đức và chuyên gia thời trang đã có những góp ý các mẫu trang phục được trình tại buổi Tọa đàm. Theo đó, trang phục cho Phật tử cần được chia ra 2 loại: Sinh hoạt thường nhật tại Chùa và tham gia nghi lễ tại Chánh điện.










tin: Tâm Giao, ảnh: Đăng Huy