PSO - Sáng ngày 27/7, tu viện Long Hưng (TP.HCM) đã trang nghiêm tổ chức khóa tu “Một Ngày Tỉnh Thức” lần thứ 25, thu hút gần 250 hành giả đủ mọi độ tuổi, từ người lớn, thanh thiếu niên đến các gia đình có trẻ nhỏ, cùng trở về tu học trong chánh niệm.
Khóa tu do Ni sư Thích Nữ Diệu Hiếu – Trụ trì tu viện Long Hưng trực tiếp hướng dẫn cùng chư Tôn đức Ni bổn tự. Với tâm nguyện hoằng dương chánh pháp, lan tỏa năng lượng tỉnh thức giữa đời sống hiện đại, Ni sư cùng đại chúng đã kiến lập một không gian tu học an lành, gần gũi và đầy đạo vị.
Từ 5g30 sáng, thiền sinh bắt đầu nhận thẻ và ổn định đạo tràng trong sự tĩnh lặng, sau đó tuần tự thực hành thiền hành trong khuôn viên tự viện, tiếp xúc với thiên nhiên, và thiền tọa theo thời khóa đã được sắp xếp rõ ràng.
Điểm nhấn của khóa tu là thời pháp thoại buổi sáng với chủ đề “Làm sao để sống chánh niệm” do Ni sư Diệu Hiếu chia sẻ. Trong bài giảng, Ni sư nhấn mạnh: “Chánh niệm không phải là điều gì cao siêu hay huyền bí, mà chính là khả năng trở về với hiện tại – nhận diện rõ từng cảm thọ, hành động và suy nghĩ đang diễn ra trong ta. Sống có chánh niệm là nuôi dưỡng một đời sống hiền thiện, có định hướng giải thoát. Khi biết nương tựa nơi thân tâm mình, người tu học có thể vượt qua phiền não, sân hận và đạt đến sự tự tại giữa dòng đời bất ổn.”
Ni sư cũng nhấn mạnh: đó chính là nền tảng để giữ giới – tu tâm – hành đạo một cách vững chãi, thảnh thơi.
Sau thời pháp thoại, đại chúng tiếp tục thực hành chánh niệm trong từng hơi thở, bước chân, ánh nhìn, với sự hướng dẫn của chư Ni. Tất cả các hoạt động – từ đi, đứng, ăn uống đến nghỉ ngơi – đều trở thành pháp hành để hành giả nuôi dưỡng sự tỉnh thức và an trú trong hiện tại suốt cả ngày tu.
Khóa tu kết thúc vào lúc 17g00 bằng phần trình pháp và chia sẻ cảm nhận từ các hành giả. Nhiều Phật tử bày tỏ sự xúc động và lòng tri ân sâu sắc đến Ban Tổ chức, chư Tôn đức Ni và đạo tràng tu viện Long Hưng đã tạo điều kiện cho một ngày tu học viên mãn, đầy hỷ lạc và lợi lạc tâm linh.
“Một Ngày Tỉnh Thức” không chỉ là một ngày tĩnh lặng trong không gian thiền môn, mà còn là một nhịp dừng quý báu giữa guồng quay cuộc sống – nơi mỗi người được làm mới tâm mình, khơi lại dòng tỉnh thức vốn có trong tự tánh, để sống chậm lại, hiểu mình hơn và thương người sâu sắc hơn.
Chơn Thảo Hiền