Chùa Phước Long nằm trên cù lao Bà Sang (P.Long Bình, TP.Thủ Đức, TPHCM cũ), nơi hàng ngàn tín đồ tìm đến hành hương.
Chùa nằm trên một cù lao nhỏ, giữa sông Đồng Nai, với diện tích khoảng 1,5 ha. Vị trí của chùa hiện nay thuộc P.Long Bình, TP.Thủ Đức (cũ), đồng thời tiếp giáp với địa phận tỉnh Đồng Nai chỉ một nhánh sông.
Chùa như một ốc đảo tâm linh thu nhỏ, được bao quanh bởi sông nước kèm hệ sinh thái cây cỏ mọc tự nhiên. Đặc biệt, chùa còn được nhiều người đặt cho cái tên khác là "chùa Bà Châu Đốc 3", bởi nơi đây ngoài tôn trí tượng các vị Phật, thần còn có tượng và miếu thờ Bà Chùa Xứ ở Châu Đốc, núi Sam (An Giang).
Hòa thượng Thích Nhật Phát, nguyên trụ trì chùa Phước Long cho biết, chùa đã có từ những năm 1960. Ban đầu, chùa chỉ là một am tu nhỏ, được lợp tôn và lá để che mưa nắng.
Trước năm 1975, Hòa thượng Thích Nhật Phát đã có mặt, sống và tu tập ở chùa này. Tuy nhiên, sau đó vài năm, hòa thượng rời cù lao để vào đất liền, làm trụ trì của một số chùa ở khu vực Q.9 cũ. Đến năm 1993, Hòa thượng Thích Nhật Pháp mới quay trở lại cù lao Bà Sang và bắt đầu tìm cách tôn tạo và xây dựng lại chùa. Đến năm 2009, chùa được trùng tu và xây mới.
Theo hòa thượng, khi xưa, chùa được xây dựng từ hơn 2.000 m3 gỗ căm xe được chở từ đất liền sang. Chính hòa thượng mời những thợ lành nghề nhất ở Huế vào TP.HCM để xây chùa. Phải mất đến 2 năm chùa mới hoàn thành. Đến năm 2016, cảm thấy không còn sức khỏe quán xuyến nên hòa thượng đã giao chùa lại cho đệ tử và lui về ở ẩn, tu tập tại Miếu Ngũ hành phía sau chùa.
Chia sẻ thêm về Miếu Bà Chúa Xứ, hòa thượng Thích Nhật Phát cho hay, trước đây một số thương nhân người Hoa ngỏ ý muốn tạc tượng Bà và đặt gần chùa. Sau đó, chính tay hòa thượng cùng những thương nhân này xin lễ tại núi Sam và về đặt tượng Bà ở chùa.
Điểm đặc biệt ở chùa có rất nhiều tượng Phật, Bồ tát, A la hán.. Ngay từ cổng chùa, dễ dàng nhận thấy tượng các vị Phật. Cổng chùa được xây theo lối kiến trúc tam quan, hai bên có rồng uốn lượn và 2 vị hộ pháp.
Trước chính điện chùa là những bức tượng lớn, lộ thiên. Bên trái có pho tượng Phật nằm dài 10 m, cùng với đó là tượng Phật Di Lặc, Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ Tát, Thập Bát La Hán, Quan Thế Âm Bồ Tát… Khu chánh điện chùa được xây 2 tầng. Tầng trên làm nơi thờ tự cũng như nơi hành lễ, tụng kinh. Nơi đây được xây dựng hầu hết bằng gỗ căm xe.
Phạm Hữu (Thanh Niên)