Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa quý Phật tử!
Sau vụ việc xảy ra liên quan đến Trụ trì chùa Nga Hoàng, tỉnh Vĩnh Phúc và những phát ngôn của Thầy Thích Thanh Toàn, báo chí, mạng xã hội và dư luận có nhiều ý kiến bình luận về vụ việc. Tuy thông tin về phát ngôn của Thầy Thích Thanh Toàn chưa được kiểm chứng, ngày 12/10/2019 trên trang báo điện tử news.zing.vn có đăng bài phỏng vấn của nhà báo Hoài Thanh với TS. Dương Ngọc Dũng là Trưởng bộ môn Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Trong bài báo được đăng tải, đã có những lời lẽ xúc phạm nghiêm trọng tới Phật giáo, tới tính thiêng và tình cảm của người dân Việt Nam. Đồng thời, có nhiều thuyết trình với nhiều lời lẽ miệt thị tu sĩ Phật giáo trong và ngoài nước. Về giáo lý tu tập và đời sống tu hành của Đạo Phật, làm ảnh hưởng đến sự trong sáng, truyền thống hàng ngàn năm đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, đã tạo nên những bức xúc trong cộng đồng Phật tử, nhân dân, gây chia rẽ khối đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc.
Trong thời gian qua, đã có trên 20 tỉnh thành hội Phật giáo như: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Kiên Giang, Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, yên Bái, Khánh Hòa, Quảng Trị, Bình Phước, Quảng Bình V.V.. và các huyện thị Phật giáo, chư Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước đã gửi Đơn kiến nghị đến Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu khởi kiện ông Dương Ngọc Dũng ra Tòa, và kiến nghị đến các cơ quan chức năng xử lý Ông Dương Ngọc Dũng theo luật viên chức.

Trước tình hình đó phóng viên Phật sự Online có buổi phỏng vấn với Luật sư Đặng Thị Minh Châu – Luật sư Đoàn Luật Sư Thành phố Hà Nội, Uỷ viên Thường trực Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN về vụ việc vi phạm pháp luật của ông Dương Ngọc Dũng.
PV: Chào Luật sư! Qua sự việc ông Dương Ngọc Dũng có những lời xúc phạm, vu khống, bôi nhọ Phật giáo; Dưới góc độ luật pháp, theo Luật sư ông Dũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật như thế nào?
LS Minh Châu: Việc xác định một hành vi có vi phạm pháp luật hay không, cũng như việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đó phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và được thực hiện bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp này, qua các video clip thể hiện những lời phát ngôn có tính chất xúc phạm, vu khống, bôi nhọ Phật giáo, nếu được xác định những hành vi đó là sự thật, thì những hành vi đó đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý như sau:
Thứ nhất: Các phát ngôn mang tính xúc phạm làm giảm uy tín của cá nhân, tổ chức tôn giáo nêu trên có dấu hiệu xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được Hiến Pháp và pháp luật bảo vệ. Đây là khách thể của điều 164 Bộ Luật Hình Sự quy định về Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.” Trong trường hợp có dấu hiệu “dùng thủ đoạn khác” như các phát ngôn bôi nhọ làm giảm hoặc mất uy tín và sự thiêng liêng của một tôn giáo làm cho người khác không có niềm tin hoặc mất niềm tin đến tôn giáo đó nhằm mục đích để ngăn cản người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo đó. Nếu hành vi trên chưa bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính thì có thể sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính mà chưa bị truy cứu tránh nhiệm hình sự theo quy định tại điều 164 Bộ Luật Hình Sự.
Thứ hai: Hành vi xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điều 5 và sẽ bị xử lý vi phạm theo điều 64 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Hành vi có dấu hiệu bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống được quy định tại điều 156 Bộ Luật Hình Sự.
Thư ba: Hành vi có dấu hiệu vi phạm trên có thể bị xử lý theo quy định của Luật Viên chức và các quy định của Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh trong trường hợp người vi phạm là viên chức đã vi phạm những điều cấm viên chức không được làm được quy định tại điều 19 và sẽ bị xử lý theo điều 52 của Luật Viên Chức năm 2010.
PV: Có những ý kiến đề nghị khởi kiện ông Dũng ra toà theo quy định của Bộ luật Dân sự; Quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
LS Minh Châu: Theo những thông tin có được, có thể nhận thấy hành vi xúc phạm, vu khống, bôi nhọ trong các video clip được cho là của ông Dũng không chỉ đích danh đến một cá nhân cụ thể và không thuộc trường hợp các quan hệ pháp luật dân sự thông thường; Hành vi xúc phạm trên có tính chất bôi nhọ, vu khống đến tập thể thành viên của một tổ chức tôn giáo, thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, hành vi xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo trong các video clip được cho là của ông Dũng là hành vi vi phạm vào các điều bị nghiêm cấm được quy định tại điều 5 và sẽ bị xử lý theo điều 64 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Do vậy, trong trường hợp này, sẽ không khởi kiện ông Dũng ra toà theo quy định của pháp luật về dân sự mà sẽ đề nghị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật viên chức; Đề nghị xử lý vi phạm hành chính hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên.
PV: Theo quan điểm của Luật sư, tổ chức hay cá nhân nào của Giáo Hội mới có quyền đề nghị xử lý ông Dũng?
LS Minh Châu: Tại khoản 2, điều 5 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Mọi tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.”. Dọ vậy, bất cứ cá nhân, tổ chức nào khi phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật đều có quyền và nghĩa vụ tố giác, báo tin về tội phạm đến cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền.
Theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính Phủ là cơ quan chuyên trách của Chính Phủ và Ban tôn giáo tại các tỉnh thành địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong trường hợp có những vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, Ban tôn giáo Chính Phủ và Ban tôn giáo các tỉnh thành sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong vụ việc này.
Tại điều 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định trách nhiệm của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Có trách nhiệm phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Có trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Do vậy, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam có trách nhiệm phản ánh kịp thời vụ việc trên đến cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
PV: Theo Luật sư, việc kiến nghị xử lý ông Dũng sẽ được gửi đến cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền trong trường hợp này là cơ quan nào?
LS Minh Châu: Khi phát hiện hoặc tiếp nhận những thông tin, tài liệu về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ tố giác đến cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền được quy định tại điều 163, điều 268 và 269 Bộ luật Tố tụng Hình sự mà cụ thể trong trường hợp này là Cơ quan điều tra của Công An Nhân Dân hoặc Viện Kiểm Sát Nhân Dân cấp huyện nơi ông Dũng thực hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm hoặc nơi ông Dũng hiện đang cư trú.
Hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong trường hợp trên có thể bị tố cáo đến Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại điều 18 Luật Tố Cáo năm 2018 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 để xử lý theo quy định pháp luật và các quy định của đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp này là Trường Đại Học Khoa Học xã Hội và Nhân Văn – Trường Đại Học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trực thuộc có thể kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo (Ban Tôn giáo Chính Phủ, Ban tôn giáo các tỉnh thành địa phương) và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được pháp luật quy định.
PV: Ngày 4/11/2019, ông Dũng đã có thư xin lỗi về những hành vi vi phạm trên, theo Luật sư như vậy vụ việc đã được giải quyết thoả đáng theo quy định của pháp luật?
LS Minh Châu: Khi có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, người vi phạm có lời xin lỗi đó là thái độ của người đó đối với hành vi vi phạm của mình.
Theo quy định tại điểm s, khoản 1 điều 51 Bộ Luật Hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ thì: người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Hành vi xin lỗi không phải là căn cứ để được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật.
Khi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, người vi phạm phải kịp thời tiến hành các biện pháp để hạn chế các thiệt hại xảy ra. Những hành vi làm tổn thương nghiêm trọng đến danh dự gây thiệt hại đến uy tín của cá nhân, tổ chức tôn giáo trong trường hợp này là Phật giáo, thì lời xin lỗi của ông Dũng chỉ là thực hiện một phần trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hành vi vi phạm làm tổn hại đến cá nhân, tổ chức tôn giáo.
Pháp luật quy định người có hành vi vi phạm phải có nghĩa vụ làm hạn chế, giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể hậu quả và thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.
Do vậy, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn tiến hành giải quyết xử lý vụ việc theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
PV: Trân trọng cảm ơn Luật sư!
PV.PSO