PSO - Sáng ngày 02/5/2025 (nhằm ngày 05/4 năm Giáp Thìn), tại chùa Sùng Ân, khu phố Hồi Quan, phường Tam Sơn, thành phố Bắc Ninh, đã long trọng diễn ra Đại lễ Phật đản PL.2569 – DL.2025 và lễ công bố quyết định kế đăng trụ trì chùa Sùng Ân.
Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ có Thượng tọa Thích Thanh Sơn – Phó Trưởng ban Thường trực, Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Ninh, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Thuận Thành; Ni sư Thích Nữ Hương Giới – Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bắc Ninh, Phó Trưởng BTS GHPGVN thành phố Từ Sơn; Ni sư Thích Đàm Thịnh – Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh, Phó Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bắc Ninh, Phó Trưởng BTS GHPGVN thị xã Quế Võ; cùng chư Tôn thiền đức Tăng Ni đến từ các tự viện trong và ngoài tỉnh.
Về phía chính quyền địa phương có sự hiện diện của ông Phan Viết Định – Trưởng khu phố Hồi Quan; ông Nguyễn Hữu Huy – Bí thư chi bộ khu phố; ông Nguyễn Hữu Đẳng – Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi khu phố; bà Dương Thị Độ – Đại diện Ban Mặt trận khu phố; ông Nguyễn Hữu Chính – Giám đốc Hợp tác xã khu phố; cùng quý vị đại diện các ban ngành đoàn thể, và đông đảo thiện nam tín nữ Phật tử gần xa về tham dự.
Tại buổi lễ, được sự đồng thuận của các cấp Giáo hội và chính quyền, Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Ninh đã chính thức công bố Quyết định bổ nhiệm kế đăng trụ trì chùa Sùng Ân cho Tỳ-kheo-ni Thích Đàm Giới.
Thay mặt Ban Tổ chức, Ni sư Thích Nữ Hương Giới đã trang nghiêm tuyên đọc Quyết định và Thượng tọa Phó trưởng BTS PG tỉnh Bắc Ninh trao quyết định kế đăng đến tân trụ trì. Tiếp đó là nghi thức dâng hoa chúc mừng và phát biểu đạo từ của Thượng tọa Thích Thanh Sơn, trong đó Thượng tọa đã chia sẻ ý nghĩa thiêng liêng của nghi lễ tắm Phật – biểu tượng của sự thanh lọc thân tâm, hướng về con đường tỉnh thức.
Lễ tắm Phật là một nghi lễ truyền thống thiêng liêng không thể thiếu trong Đại lễ Phật Đản, nhằm tưởng niệm ngày Đản sinh của Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Theo truyền thuyết, khi Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm-tỳ-ni, chư thiên đã dâng nước thơm từ cõi trời để tắm gội cho Ngài, biểu tượng cho sự thanh tịnh tuyệt đối của bậc Giác ngộ.
Hành trì nghi lễ tắm Phật không chỉ mang tính nghi thức lễ bái mà còn là thời điểm thiêng liêng để mỗi người tự quán chiếu và tắm gội chính thân tâm mình. Khi dâng nước lên kim thân Đức Phật sơ sinh, người con Phật thể hiện lòng thành kính, phát nguyện thanh lọc ba nghiệp thân – khẩu – ý, loại bỏ cấu uế, ngã mạn, sân si và nuôi lớn tâm từ, tâm bi.
Tắm Phật cũng là tắm lòng – là hành động biểu trưng cho sự trở về với bản tâm thanh tịnh, là dịp để gột rửa những phiền não, tái sinh nội tâm trong ánh sáng chánh niệm và từ bi của đức Phật.
Như lời dạy trong Kinh Đại Bổn:
"Tắm Phật một lần – sạch lòng một kiếp,
Dâng hương một nén – tỏa ngát đạo tâm."
Buổi lễ kết thúc trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ và thắm tình đạo vị.
Truyền thông Bắc Ninh